Văn hóa- Xã hội Văn hóa- Xã hội

Ý nghĩa và tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệan ninh Tổ quốc”
08/08/2024 | 10:57  | Lượt xem: 201

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 19/8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là dịp để tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phổ biến cho cán bộ, nhân dân về tình hình an ninh, trật tự ở địa phương; phương thức hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tình hình trật tự giao thông đô thị, tai nạn cháy nổ...giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào Nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là “thế trận lòng dân”, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân từ miền xuôi tới miền ngược đã đóng góp công sức, tích cực tham gia cùng lực lượng CAND đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, trừ gian, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng, góp phần to lớn vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an các cấp, Nhân dân được tập hợp, tổ chức thành những đội quân tích cực tham gia phong trào “Phòng gian bảo mật”, nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ cuộc kháng chiến, chống lại mọi âm mưu của kẻ thù, vạch mặt những tên đầu sỏ gian ác, các đối tượng gián điệp làm tay sai cho địch; đặc biệt là Nhân dân đã đoàn kết thực hiện khẩu hiệu “Ba không” (không nghe, không biết, không thấy) nhằm giữ bí mật mọi thông tin của cuộc kháng chiến, thực hiện tuần tra canh gác, bảo vệ các lực lượng tham gia kháng chiến, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, cùng toàn Đảng, toàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vai trò và sức mạnh của Nhân dân tiếp tục được phát huy cao độ. Bằng việc tham gia tích cực, có hiệu quả các phong trào “Ba phòng”, “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an”..., Nhân dân đã trở thành bức tường thành vững chắc, là chỗ dựa tin cậy của lực lượng CAND trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích, chống phản động và các đối tượng gây rối an ninh, trật tự, phá hoại công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Được sự giúp đỡ to lớn của các tầng lớp Nhân dân, lực lượng Công an ở cả hai miền Nam, Bắc đã đấu tranh thắng lợi, làm thất bại nhiều âm mưu, ý đồ phá hoại đất nước của các thế lực phản động, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và Bộ Công an... góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cùng toàn Đảng, toàn quân đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhân dân tiếp tục sát cánh giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh đập tan âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch, các tổ chức đảng phái phản động ở trong nước và phản động lưu vong ở nước ngoài; tham gia các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh.

Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong 19 năm qua, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từng bước đi vào cuộc sống, tổ chức hướng về cơ sở, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo “phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hằng năm gắn với các hoạt động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân.

Các hoạt động tiến tới Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được cấp ủy, chính quyền, công an các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ trên các mặt, từ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, nhóm đối tượng, địa bàn. Nhiều đơn vị, địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin (báo điện tử, mạng xã hội…) để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn và đối tượng tác động. Các phong trào thi đua nhận được sự tham gia, hướng ứng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, thôn, xóm…trong toàn quốc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã gắn kết với các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…được đông đảo người dân hướng ứng tham gia.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hằng năm được các địa phương đảm tổ chức đảm bảo yêu cầu, thiết thực, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phong trào; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể các cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong Ngày hội nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, ca múa nhạc; thi đấu thể thao; trò chơi dân gian; diễn tập phòng chống cháy nổ; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; thi tìm hiểu pháp luật về an ninh, trật tự…thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Chính vì vậy, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trở thành phong trào rộng khắp tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thực sự là ngày hội của Nhân dân./.

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?