Tin tức hoạt động của UBND Phường Tin tức hoạt động của UBND Phường

Những điểm mới nổi bật của Luật Căn cước và lợi ích của việc sử dụng căn cước mới
22/08/2024 | 09:02  | Lượt xem: 204

Từ ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, đáng chú ý là việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, cấp chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, giúp cho người dân thuận tiện hơn trong các giao dịch, thủ tục hành chính và không phải mang theo nhiều loại giấy tờ...

Luật Căn cước có 10 điểm mới, nổi bật là việc bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; cấp giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi...

Theo đó, Luật Căn cước có 10 điểm mới nổi bật sau:

1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3)

2. Giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân (CCCD), chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp (Điều 46)

- Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

- Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

3. Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46)

CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Điều 18)

Thẻ căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú

5. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19)

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

- Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

6. Cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi (Điều 23)

- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

- Không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.

7. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30)

- Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên.

- Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam

8. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33)

- Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID)

- Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

9. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23)

- Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

- Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

10. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22)

- Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.

- Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Đảm bảo quyền, lợi ích cho trẻ em

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), các lợi ích khi thực hiện cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi như sử dụng trong việc đi lại (máy bay, tàu hỏa...) học tập, khám chữa bệnh (không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiêm chủng...) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hằng ngày.

Đáng chú ý, thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Do đó, UBND cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được Nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng khi được cấp, sử dụng thẻ căn cước; thuận lợi hơn khi tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống và thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân.

"Thẻ căn cước có kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, an toàn cao và còn có thể được tích hợp rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người sẽ mang lại tiện ích trong cuộc sống" - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thông tin.

Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Tạo điều kiện cho người gốc Việt sinh sống ổn định

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam theo Luật Căn cước giúp đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của họ, tạo điều kiện cho họ được sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam, thuận tiện trong thực hiện giao dịch, đi lại và các hoạt động khác.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, qua khảo sát, phần nhiều người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là những người yếu thế, dễ bị tổn thương (người di cư, không có nhà ở, không có công ăn việc làm, con cái không được đi học, cuộc sống bấp bênh, tạm bợ "nay đây mai đó", người dân tộc thiểu số, người nghèo, người sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa...).

Đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều thế hệ cấp giấy tờ tùy thân và không được thực hiện các quyền cơ bản của con người, khó tiếp cận được với dịch vụ của Nhà nước và xã hội.

Do đó việc cấp giấy chứng nhận căn cước có thể giúp họ tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống; thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, từ 1/7, đã sẵn sàng thu nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch tại các điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước tại công an cấp huyện.

Giảm thủ tục hành chính, không phải mang giấy tờ

Tích hợp các giấy tờ trên thẻ căn cước sẽ giúp giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng thẻ căn cước có gắn chip đã được tích hợp các thông tin có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; không phải chi cho hoạt động in, sản xuất các giấy tờ cấp cho công dân (nếu công dân không có nhu cầu hoặc chỉ cần bản điện tử).

Cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân sẽ cập nhật, bổ sung kết quả giải quyết vào cơ sở dữ liệu do mình quản lý và trả kết quả điện tử cho công dân. Cơ quan quản lý căn cước sẽ khai thác thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp thông tin công dân có trên các cơ sở dữ liệu này vào thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc đề nghị của công dân.

Đối với cơ quan Nhà nước không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do cá nhân, tổ chức cung cấp khi giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của công dân; phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động quản lý Nhà nước.

Các tổ chức, doanh nghiệp giảm các loại giấy tờ, hồ sơ, thời gian thực hiện trong các giao dịch với cá nhân thông qua việc sử dụng thẻ căn cước đã được tích hợp thông tin.

Ngoài ra, công dân không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được phát triển, sử dụng nhiều ứng dụng, dịch vụ công nghệ số trên cơ sở các tiện ích của thẻ căn cước đã được tích hợp thông tin.

Những lợi ích của việc sử dụng căn cước mới

1. Tạo thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn  chế việc phải cấp đổi thẻ và bảo đảm tính riêng tư của công dân; các thông tin căn cước của công dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

2. Bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

3. Bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.

Việc khai thác thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được thực hiện bằng các phương thức sau: (1) Sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước; (2) Sử dụng thông tin trên thẻ căn cước để truy xuất, khai thác thông tin tích hợp qua thiết bị chuyên dụng được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh, xác thực điện tử.

4. Việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục); cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất để cấp lại thẻ căn cước cho công dân.

5. Luật Căn cước quy định mỗi công dân có 01 căn cước điện tử; Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

6. CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến CMND, thẻ căn cước trong các giấy tờ đã cấp.

7. Thẻ Căn cước có tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước. Để khai thác được các thông tin trong chip điện tử trên thẻ căn cước phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ Căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?