Giới thiệu chung
GIỚI THIỆU CHUNG PHƯỜNG HÀNG BÔNG
Điều kiện tự nhiên
Phường Hàng Bông là một trong những phường trung tâm quận Hoàn Kiếm với diện tích tự nhiên 0.18km2; dân số trên 9.500 người, phân bổ thành 7 dịa bàn dân cư, 18 tổ dân phố; tiếp giáp với 4 phường thuộc quận Hoàn Kiếm: Hàng Gai, Hàng Trống, Cửa Đông, Cửa Nam và phường Điện Biên thuộng quận Ba Đình; gồm khu phố cổ và khu phố cũ được xác định bởi dãy phố Hàng Bông và Phùng Hưng bao gồm 8 đường phố, 4 ngõ phố; có 2 trục đường chính là Hàng Bông và Tràng Thi; một số tuyến phố nhỏ như Hà Trung và Ngõ Trạm, Hội Vũ. Trên địa bàn có 408 biển số nhà các loại trong đó có 165 số nhà đông hộ, nhà tự quản; có 29 cơ quan Nhà nước, trong đó có trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và chủ yếu là cơ quan hành chính sự nghiệp, 4 bệnh viện đầu ngành của Trung ương, 02 trường tiểu học và 01 trường mẫu giáo; có trên 92 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, có hơn 600 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ; kinh doanh phố ẩm thực, dịch vụ, khu phố nghề. Trên địa bàn phường có trụ sở Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin lành Hà Nội tại số 2 phố Ngõ Trạm.
Lịch sử vùng đất
Lịch sử phường Hàng Bông gắn liền với lịch sử lâu đời của tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), Tiền Nghiêm (sau đổi là Vĩnh Xương) thuộc huyện Vĩnh Xương (sau đổi thành Thọ Xương), phủ Phụng Thiên (1469) kinh đô Thăng Long.
Trong 12 phố, có 3 phố thuộc vùng đất cổ mà ngay từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã là nơi buôn bán. Đó là các phố Hàng Bông, Hà Trung, Ngõ Trạm nguyên là đất của các thủ thương Đông Môn Hạ, tổng Vĩnh Xương, cuối cùng là đất thôn Yên Trung Hạ, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương cũ..
Qua đó cho thấy Hàng Bông gồm nhiều phố trước đây hợp lại, nhân dân ở đây làm nhiều nghề thủ công (khâu túi, nhuộm, làm gương soi, làm giầy…). Trong phố có cửa hàng buôn bán, có chợ (chợ huyện).
Trong thế kỷ XVII-XVIII, Chúa Trịnh đã mấy lần tiếp sứ thần nhà Thanh đến Thăng Long đã quan Hàng Buồm, Hàng Ngang (Hàng Áo) Hàng Đào, Hàng Gai (ngã ba Hàng Gương), Hàng Bông Đệm (chợ Huyện) đến Hàng Bông Lờ (Cấm Chỉ) rồi đến vườn Quảng Văn Đình (Cửa Nam) mà vào cửa tò vò (Đoan Môn) để đến nội điện
Đền Thái úy Lý Thường Kiệt: Ngôi đền Thái úy (còn gọi là dình Thiên Tiên) ở 120B phố Hàng Bông
Quán Vọng Tiên: Là nơi đánh dấu huyền tích vua Lê Thánh Tông gặp “Tiên nữ”. Trước thế kỷ XV, quán Vọng Tiên ở khu vực Cửa Nam.
Từ nửa đầu thế kỷ XX đến nay, dân cư của phường thay đổi theo sự phát triển của Thành phố với nhiều biến cố, sự kiện lịch sử Thủ đô gần một thế kỷ. Nhiều người trong số họ có lúc lại chuyển đi và nhiều người khác lại đến sinh sống, và họ đã cùng nhau góp phần viết nên những trang lịch sử truyền thống của phường Hàng Bông.